Paul Schekel, một chuyên gia của Vermont's Home Energy Pros, đã trực tiếp làm thí nghiệm đun sôi 1 lít nước này. Theo đó, Paul đã thử với bếp ga và bếp từ, thì bếp ga có thời gian đun sôi 1 lít nước là 8,5 phút, còn bếp từ là 5,8 phút. Điều này cho thấy dùng bếp ga tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với bếp từ, cụ thể là 992 BTU đối với bếp ga và 430 BTU đối với bếp từ.
Kết quả thử nghiệm đun sôi 1 lít nước bằng bếp ga và bếp từ (Ảnh: homeenergypros.lbl.gov)
Ngay sau đó, Paul cũng tiến hành tính toán hiệu quả của việc chuyển đổi năng lượng thành nhiệt trong nước và rút ra rằng: “Bếp từ có hiệu suất chuyển đổi và truyền năng lượng đầu vào sang nước là 74%, và bếp ga là hiệu suất 32%. Vậy có thể kết luận rằng, việc sử dụng bếp từ nhanh hơn 32% và tiết kiệm năng lượng hơn 57% so với bếp ga.”
Kết quả về hiệu suất chuyển đổi và truyền năng lượng đầu vào sang nước của 2 loại bếp (Ảnh: homeenergypros.lbl.gov)
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng từng có một bảng thống kê so sánh hiệu quả giữa các loại bếp là bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp điện và bếp ga. Trong đó, bếp từ cũng xếp vị trí đầu bảng về độ tiết kiệm cũng như hiệu suất làm chín thực phẩm, còn bếp ga chỉ xếp ở vị trí thứ 3, trên bếp điện.
Bếp từ hay còn gọi là bếp điện từ, với nguyên lý hoạt động là: dòng điện sẽ chạy qua cuộn dây đồng đặt dưới mặt kính bếp và sinh ra dòng từ trường trong phạm vi vài milimet trên mặt bếp, từ đó đun nóng nồi có đế nhiễm từ làm chín thức ăn.
Bếp từ là loại bếp được người dùng Việt ưa chuộng ngày nay
- Thiết kế hiện đại, bắt mắt: Bếp có kiểu dáng khá gọn gàng, mỏng, khối lượng vừa phải. Đặc biệt là mặt kính phẳng luôn sáng bóng. Có nhiều loại bếp có mặt kính hoa văn vô cùng đẹp mắt, thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp. Không chỉ đơn giản là thiết bị bếp dùng để đun nấu, bếp từ còn góp phần làm đẹp cho không gian bếp của bạn.
- Hiệu suất nấu cao: Tiết kiệm được thời gian nấu nướng, bếp từ có thể nấu nhanh hơn bếp điện và bếp ga đến 50%. Bếp từ không phải truyền nhiệt từ bếp sang mà nhiệt được sinh ra trực tiếp từ đáy nồi giúp làm nóng nhanh chỉ từ 3-5 giây, gia nhiệt đều, làm chín thức ăn siêu tốc. Chính vì hiệu suất cao nên bạn có thể chủ động hơn trong việc nấu nướng, giảm nhẹ gánh nặng việc nhà.
- Dễ dàng vệ sinh: do mặt bếp phẳng, bằng kính nên việc lau chùi, vệ sinh rất dễ dàng và nhanh chóng. Vết bẩn cũng không bám cứng đầu như các loại bếp khác. Hơn nữa, bếp từ không sinh khói hoặc khí CO, CO2 nên đảm bảo môi trường xung quanh luôn trong lành. Trong khi đó, bếp ga, bếp lò khi nấu đều tạo khói, khí thải ra xung quanh, làm ô nhiễm không khí, bám mùi khói vào thức ăn hoặc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người sử dụng.
- An toàn cho người sử dụng: Khác với các loại bếp thông thường, bếp từ sẽ không gây ra tình trạng cháy nổ hay hỏa hoạn, không gây giật điện. Hơn nữa, bếp còn có các chế độ khóa trẻ em, tự động ngắt, chức năng chống trào, cảnh báo nhiệt dư… Bên cạnh đó, mặt bếp không nóng nên bạn khỏi lo bỏng rát nếu vô tình chạm vào nó.
Bếp từ sở hữu nhiều ưu điểm phù hợp với nhịp sống hiện đại
- Bếp từ kén nồi: Bếp chỉ sử dụng được với loại nồi, chảo có đáy là kim loại, có từ tính. Khi sử dụng bếp bạn cần phải mua bộ nồi mới có đáy nhiễm từ hay dụng cụ chuyển nhiệt. Như vậy chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ tăng, gây bất tiện cho người sử dụng.
- Gián đoạn nấu ăn khi mất điện: Đây chính là điều mà người dùng lo ngại khi sử dụng bếp từ. Nếu mất điện, bếp từ hoàn toàn không thể thay thế bằng bất kỳ thứ nhiên liệu nào khác, trừ phi gia đình bạn có máy phát điện. Tuy nhiên, nếu lượng điện từ máy phát điện quá thấp, không đủ cung cấp cho bếp từ, bạn sẽ bị gián đoạn quá trình nấu ăn của mình.
- Giá thành khá cao: Bếp từ có nhiều mức giá khác nhau. Có bếp vài triệu nhưng cũng có những sản phẩm lên đến vài chục triệu đồng một chiếc. Đây cũng là một trong những nhược điểm của bếp từ khiến nhiều người tiêu dùng trăn trở khi mua.
Bếp điện, hay còn được gọi là bếp hồng ngoại, là loại bếp sử dụng nhiệt nóng từ mâm nhiệt, truyền nhiệt tới mặt kính rồi làm nóng nồi chảo, từ đó làm chín thức ăn.
Bếp hồng ngoại cũng là một trong những lựa chọn yêu thích của các gia đình Việt
- Hoạt động an toàn: Trái ngược với các loại bếp khác như bếp ga, bếp cồn hay bếp than, bếp điện hồng ngoại rất an toàn. Khi đun nấu, bếp không sinh ra khói hay các khí độc hại cho sức khỏe con người, không đốt cháy oxy.
- Không kén nồi: Nếu nhược điểm của bếp từ là khá kén nồi nên ngoài chi phí đầu tư mua bếp, người dùng thường phải mua kèm các bộ xoong nồi chuyên dụng khá tốn kém, thì ưu điểm của bếp điện hồng ngoại là không kén nồi, có thể dùng được cho tất cả các loại nồi từ nồi đất, thủy tinh, inox… Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho bếp và tránh những chất độc hại bị thôi nhiễm trong quá trình đun nấu người dùng nên mua loại xoong nồi tốt để sử dụng lâu dài.
- Tích hợp nhiều chức năng ưu việt: Ví dụ như chức năng hẹn giờ, chức năng khóa an toàn cho trẻ em, chức năng hiển thị và cảnh báo nhiệt lượng dư…
- Có khả năng nướng trực tiếp: Bếp điện không chỉ nấu những món ăn thông thường như các món xào, rán hay chiên, hầm… mà còn có khả năng nướng trực tiếp đồ ăn trên mặt bếp. Đây là ưu điểm của bếp điện hồng ngoại mà bếp từ hay bếp ga không làm được.
Bếp điện cũng sở hữu nhiều ưu điểm thuận tiện mà các gia đình có thể cân nhắc sử dụng
- Tuổi thọ ngắn: Bóng đèn halogen của bếp điện có tuổi thọ kém, mau hỏng nên dẫn đến tuổi thọ của bếp điện hồng ngoại sử dụng loại bóng này thường ngắn.
- Giá thành thay linh kiện cao: Đây cũng là nhược điểm gây trở ngại cho người dùng, tuy nhiên hiện nay đã có dòng bếp hồng ngoại cao cấp hơn, cải tiến với dây mayso điện trở lớn an toàn và bền hơn, khắc phục được nhược điểm của bóng halogen.
- Khả năng tiết kiệm điện kém: Do bếp điện hồng ngoại tỏa nhiệt vuông góc theo diện tích phát sáng của bóng đèn halogen nên khi sử dụng vẫn có phần điện bị hao hụt ở ngoài vùng nấu. Điều này gây lãng phí và tốn điện, vùng nhiệt thoát ra có thể gây nóng khu vực mặt bếp và thành nồi.
- Mạch điện dễ bị hư hại: Do bếp điện hồng ngoại phát nhiệt rất lớn nên trong quá trình sử dụng mạch điện và các linh kiện trong bếp dễ bị hư hại, giảm độ bền của bếp.
- Chức năng nấu trực tiếp trên bề mặt không được khuyến khích: Đặc biệt là các thức ăn nhiều dầu mỡ vì dầu mỡ nếu chảy vào bên trong bếp sẽ gây hư hỏng linh kiện, và mặt bếp sau khi nướng cũng khó đảm bảo vệ sinh (dễ đóng két, bám dính khó chùi rửa).
Bếp ga là loại bếp mà khi bật bếp, khí ga từ đường ống dẫn khí sẽ chảy đến các vòi phun của bếp dưới mâm chia lửa. Cùng lúc đó, bộ phận gốm áp điện hoặc một mạch điện tử sẽ tạo ra tia lửa bắt vào dòng khí, làm bốc cháy khí ga và ngọn lửa sẽ được phân bổ lên các đầu phun. Đây cũng là nguyên lý hoạt động của bếp ga, đó là nấu chín thức ăn bằng ngọn lửa trực tiếp.
Trước khi có bếp từ và bếp điện thì bếp ga là loại bếp được sử dụng phổ biến nhất
- Nấu ăn ngon nhờ ngọn lửa trực tiếp: Bếp ga vẫn được coi là loại bếp có khả năng làm chín thức ăn ở độ ngon đạt chuẩn nhất. Đó là lý do tại sao ở những nhà hàng, người ta vẫn thường dùng bếp ga công nghiệp chứ không dùng bếp từ hay bếp điện.
- Bếp ga có giá thành rẻ: Chỉ cần bỏ ra từ 300.000 đồng, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc bếp ga có tính năng nấu nướng cơ bản nhất.
- Không kén nồi: Bếp ga có thể sử dụng cho tất cả các loại nồi, rất tiện lợi khi nấu ăn, kể cả khi gia đình bạn dùng nồi gang, nồi inox, nồi nhôm hay nồi đất, nồi thủy tinh,…
- Tiết kiệm chi phí: Sử dụng bếp ga còn giúp các gia đình tiết kiệm được nhiều chi phí. Một bình ga 12kg có thể sử dụng đến 3 tháng cho gia đình 4 thành viên với tổng chi phí thường chỉ khoảng 400.000 đồng.
Bếp ga thường có giá thành rẻ hơn so với bếp từ và bếp điện
- Có thể bị thoát khí ga: Nếu chọn mua bếp ga không chất lượng thì mâm chia lửa của bếp thường được gia công kém, dễ bị cong vênh khi nấu nướng do chịu tác động của nhiệt lượng cao, làm ngọn lửa không đều, dễ có ga sống thoát ra, gây nguy hiểm khi sử dụng. Trong trường hợp này, người dùng cần để ý, ngưng sử dụng bếp và có thể thay mâm chia lửa mới cho bếp hoặc tìm cách khắc phục khác.
- Dễ gây tắc nghẽn: Bếp ga quá cũ, bị gỉ sét mà không được thay thế thì dễ gây tắc nghẽn ống dẫn ga, khiến bếp khó hoạt động.
- Có thể gây nguy hiểm nếu dùng không đúng cách: Trong trường hợp người dùng quên không tắt bếp hoặc khóa ga thì lượng ga thoát ra ngoài không bị đốt cháy rất nhiều. Nếu người dùng chỉ cần tắt, bật điện thì sẽ tạo ra tia lửa, dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tắt bếp và khóa ga ngay sau khi sử dụng bếp. Đồng thời, tủ chứa bình ga cũng phải thoáng để nếu có hiện tượng rò rỉ ga thì người dùng có thể phát hiện sớm.
Từ những so sánh trên, có thể thấy chi phí để mua và lắp đặt các loại bếp từ, bếp điện chất lượng tốt thường cao hơn so với bếp ga, dao động trong khoảng từ 5.000.000 - 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng bếp điện, bếp từ, gia đình cần trang bị thêm một bộ nồi chuyên biệt để phù hợp với bếp, cùng với đó là nguồn điện gia đình cần ổn định.
Sở hữu giá thành rẻ, sự phổ biến và dùng được đa dạng các loại nồi niêu, bếp ga vẫn là lựa chọn đáng tham khảo cho nhiều gia đình. Khi sử dụng bếp ga, bạn hãy lưu ý đảm bảo phòng tránh nguy cơ cháy nổ, rò rỉ ga gây mất an toàn. Hãy nấu ăn ở nơi thông thoáng, mở các loại cửa để khí ga phần nào thoát ra ngoài.
Trên đây là những thông tin đánh giá cơ bản về 3 loại bếp gồm bếp từ, bếp điện và bếp ga. Mong rằng những gợi ý trên đã giúp bạn tìm được loại bếp phù hợp nhất với gia đình.